Trương Anh Tuấn
Chào các bạn,
Sau chuyến du xuân Huyền cứ bảo tớ viết báo cáo trong khi khả năng Huyền viết còn hay hơn, mà đúng ra việc này Nguyễn Thủy làm mới phải vì bạn là trưởng BTC vụ này mà, giống như trước đây đi tiền trạm Thiên sơn Suối ngà - Phong mén b/c, họp lớp ở sinh thái Từ Liêm - Huyền b/c, pic nic ở Yên bài Ba vì - Bình béo b/c, đi trường trẻ em Hải Phòng - Sinh Bột b/c hay vụ đi Phủ lý Vân đầm - Đăng Quang b/c... Như thế cả lớp được thưởng thức các tài văn chương phong phú và tớ nghĩ nên theo thông lệ này. Tớ chỉ chia sẻ vài cảm xúc với các bạn thôi.
Sáng thứ bảy tớ dậy từ khá sớm làm hết các công tác cần thiết, hôn chào tạm biệt vợ (nói thế cho sến chứ tớ ngó vào màn xem bà xã như thế nào để khéo léo hô biến cho nhanh) rồi khoác ba lô xuống dưới nhà bắt taxi qua đón Huyền và con gái cùng đi ăn sáng gần nơi tập kết ở Trường Chinh. Đến nơi thấy già trẻ lớn bé đủ cả đang đứng đợi xe dưới mái hiên đầy nước, thời tiết Hà nội dạo này hay mưa về sáng nên khá ướt át, trước đó còn nghe thông tin sập núi đá ở quốc lộ 6 nên một số người hơi lo lắng nhưng cảm giác đó thoáng qua rât nhanh vì ai cũng háo hức, bà chị đứng cạnh bảo đến đây từ 6 rưỡi sáng cơ đấy trong khi kế hoạch 8g xe mới khởi hành. Lần lượt các bạn đến đủ cả, đợi khá lâu mới thấy 1 xe 45 chỗ biển Lạng sơn màu trắng "6677" chậm rãi bò đến, xe xuất phát muộn nửa tiếng do bác tài phải làm luật qua thành phố. Tớ lên xe gần như sau cùng thấy mọi người đã ngồi kín chỗ trong khi vẫn còn phải đón Thủy, Vân và gia đinh Bình ở Thanh Xuân, hành khách phàn nàn xe cũ, mấy em hướng dẫn còn non kinh nghiệm sắp xếp, lộ trình đón suýt thay đổi chứ nếu có thì đội ở Thanh xuân chắc phải bắt tắc xi ngược ra Bic C rồi. Cũng chỉ có vài trục trặc ban đầu sau đó mọi việc cũng ổn định dần và mọi người kỳ vọng vào 1 chuyến đi vui vẻ thành công.
Tạm biệt thành phố còn đang ngái ngủ, mọi người tỉnh táo, hớn hở đón chào hành trình khám phá. Đường đi Tây Bắc giờ đã đẹp hơn rất nhiều. Bên cạnh những bản làng nằm khép nép bên đường, dễ dàng nhận thấy những thị tứ, thị trấn mới đã hình thành. Mai Châu cách thành phố Hòa Bình khoảng 90km. Trên xe Hùng lùn và mấy cậu thanh niên pha trò khiến mọi người nói cười vui vẻ. Những con đường ngoằn ngoèo phủ đầy sương giăng, bác tài phải dò dẫm vì tầm nhìn chỉ còn mấy mét, cảm giác hấp dẫn nhưng hơi sợ, cứ như đang bị thôi miên vậy. Lá cờ đỏ chói trên đỉnh cột reo vui như vẫy gọi lòng người. Xe xuống thung lũng Mai Châu. Điểm dừng chân của đoàn là ngôi nhà sàn kiểu 5 gian 2 chái Hùng Mếch – bản Lác 1, đúng là không hẹn mà gặp. Bản Lác là bản du lịch nổi tiếng ở Mai Châu. Ở đây người dân làm du lịch ngay trong những ngôi nhà của mình. Ổn định chỗ ở xong mọi người xuống dùng bữa cơm trưa tuy muộn nhưng thân mật, gà đồi luộc vàng ươm, thịt lợn nướng đen hồng nóng hổi, rổ rau xanh tươi mát, bát ớt đỏ cay nồng, đĩa muối tiêu đen nhánh, âu cơm trắng thơm mịn, bát canh nóng tỏa hương ngào ngạt...đủ màu ngũ sắc, nhìn đã ứa nước miếng, làm gì mà chai vốt ka của Hùng lùn và chai rượu ngâm của Bình béo không hết bay, chủ nhà hiếu khách và các bàn bên cứ sang uống cùng và tiếp thức ăn lia lịa. Cơm nước xong mọi người tùy nghi đi chơi thăm bản, Trên con đường làng quanh co, tớ cứ tò mò cuốn hút về chiếc khăn Piêu của cô gái Thái,những sạp hàng bán vải do chính bàn tay những người phụ nữ trong bản dệt, nhìn những bức rèm được dệt, khâu họa tiết hoa văn cầu kỳ những hình khối tượng trưng trời, đất, thể hiện đời sống văn hóa tinh thần kết hợp hài hòa đẹp mắt khiến không thể không nghĩ tới mua ngay một tấm về treo trang trí trong nhà. Người Thái vốn hiếu khách nên dù mang tính kinh doanh thì mỗi cử chỉ phục vụ, cách đón tiếp… đều thể hiện sự hồn hậu của tâm hồn họ. Ghé vào mua cho mấy bạn quả cầu thổ cẩm giá đâu chừng 5k vậy mà sau khi giao tiếp mua hết gần nửa rổ cầu bà chủ chỉ lấy có 30k mà các cháu vẫn cứ tiếp tục bốc vô tư.
Đoàn của lớp sau khi ăn ngô nếp nướng, đi lạc đường và hỏi thăm đã tự tìm ra con đường độc đạo xuyên cách đồng xanh mướt, mặc sương bay trên đầu, quấn lấy người, nước sương trên cỏ làm ướt hết chân đoàn vẫn băng qua cánh đồng lúa trong thung lũng đầy sương mờ ảo ấy, xa xa là khói lam chiều bay lên từ mái nhà sàn dung dị, mấy cánh cò mải miết bay qua cầu bản Lác gợi cảm giác thật thanh bình, những tính toán mưu sinh đời thường có lẽ đã bay hết về Hà Nội, xung quanh chỉ còn tiếng trêu đùa của các bạn hòa với tiếng gió ngàn từ bốn phía núi thổi xuống. Đoàn dừng chân ở ngôi nhà sàn đơn sơ cuối bản sau khi đã đi qua cái sân vận động có bãi đốt lửa trại mà thằng em đã nhắc đến, ngạc nhiên vì dáng vẻ ngôi nhà, lạ lùng khi thấy có chú bò gặm cỏ dưới nhà sàn, chụp ảnh, hỏi thăm bác tiều phu đang đốn mấy cây tre cao vút có đến trăm đốt...Có lẽ vì mỏi chân nên Tường Vân muốn đèo xe, Thủy thì muốn cõng...mà Lam lác thì cứ lờ đi đâu. Nếu là tớ thì...hic.
Sau bữa cơm tối ngon không kém bữa trưa, tiếng trống cái báo hiệu nhà có biểu diễn văn nghệ đã khiến không khí trong bản thêm rộn ràng. Các gia đình đều tập trung quanh sân xem những điệu múa, lời ca của người Thái, người Mông, người Mường được các chàng trai, cô gái Thái thể hiện thật gần gũi. Dường như cuộc sống, sinh hoạt, chuyện nương rẫy đều được tái hiện một cách sinh động trong buổi biểu diễn văn nghệ ấy. Không phân biệt khách hay chủ, người lớn, hay trẻ con… mọi người cùng nắm tay nhau nhẩy sạp vui vẻ. Màn đốt lửa trại cũng sôi động không kém, loa âm ly phục vụ tận nơi, ngọn lửa vừa bùng lên, mọi người nắm tay vui chơi quanh lửa trại, uống rượu cần, thi miss đàn ông nữ tính nhất...10 năm trước tớ và bọn thanh niên còn thi nhảy qua đống lửa, bây giờ thi chịu chỉ đứng rậm rịch theo tiếng nhạc thôi....
Lửa tàn, cả đám lại kéo về quây quần trên nhà sàn ăn uống, nghe Hùng lùn tỉa ghi ta cùng hát các bài hát quen thuộc...đoạn nhớ đoạn quên...làm sống lại thời học sinh vui nhộn, gợi nhớ tuổi thanh niên sôi động, không gian thật đầm ấm, chồng Phạm Nga và 1 anh trong đoàn cũng góp vui, có chiếc đàn cũng nhờ công cu Tùng (giai lớn của Bình béo) cõng từ Hà nội lên cho cô chú thưởng thức. Phía dưới nhà sàn đám thanh niên đi phượt cũng đang bập bùng ghi ta, ngồi uống rượu nói chuyện rôm rả không kém...Trời về khuya các bạn nữ đi ngủ hết, Hùng lùn cũng chui vào chăn với vợ, còn lại 4 ông ngồi họp 52 với nhau, đúng là trời chiều lòng người, ngồi đến 5g sáng được Bình béo cho hơn 1 suất Mai Châu đâu như 750k thì phải vì tớ không đếm chỗ 10k, mà ván cuối ù con K nữa chứ, dù không có Mén cũng cảm ơn Lam nhé.
Các bạn đi tìm chỗ ngủ, tớ ra ngoài hiên tắt đèn, con gà chống tưởng trời sáng cất tiếng gáy sớm, văng vẳng phía xa tiếng chó sủa gọi bầy, không gian quạnh vắng lại nhớ cảm giác ngày xưa đi lính đứng gác đêm ở trong làng. Đám thanh niên đi phượt cũng thôi không đàn nữa, ngồi sát vào nhau đánh bài tránh cái lạnh vùng núi. Trong nhà tối om, bước rón rén cứ sợ kẻo vấp ngã vào ai thì khổ mình khổ cả người ta, thấy Lam và Bình béo đã kéo gỗ rộn ràng, Huyền vẫn còn thao thức, cả ngày hoạt động nhiều nên tớ cũng thiếp đi lúc nào không biết, gần sáng cảm giác có ai đó đắp lên mình tấm chăn, sau mới biết là Thủy làm, cứ tưởng bở mình được ưu ái riêng ai dè các bạn khác cũng được chăm sóc như vậy, đúng là "...bàn tay chắn gió mưa xa...".
Ăn sáng xong đoàn đi thăm bản Pom Coọng bên cạnh, kéo nhau ra phố chợ Mai Châu, tớ cùng Lam và Hùng lùn đi tìm mãi quán cháo lòng tiết canh lợn rừng mà không thấy, đành đứng xem tụi Tây đá bóng giao lưu với trai địa phương, tạt vào nhâm nhi quán cà phê phố núi, nhìn con đường leo lên núi cao ngút ngàn với lớp lớp bậc thang " ngàn thước lên cao ngàn thước xuống", con người trông bé tý như con kiến leo lên sợi thừng vắt qua. Nếu còn sức thì tớ cũng cố leo lên xem có gì trên đấy đành lỗi hẹn để chấp nhận chiều về tham quan hầm nhà máy thủy điện Hòa Bình.
Bữa trưa đã được chủ nhà dọn ra thịnh soạn. Trong không khí trong lành của bản làng vùng núi cao, ngồi giữa nhà sàn uống rượu Mai hạ (Mai hoa xuống núi) với cá sông Đà, măng rừng luộc cùng món xôi nếp nương, thịt gà xé chấm muối vừng hạt mắc khén (hạt tiêu rừng), hương vị thơm đậm mùi núi rừng của hạt mắc khén khiến vị của nó thật đặc biệt khiến người ta khó quên, ăn một miếng chỉ muốn miếng nữa. Cũng là bữa cơm chia tay nên mọi người uống cũng nhiều, về đến Hà Nội cảm giác rượu vẫn còn ngấm. Phải công nhận anh Quý chồng Phạm Nga là rể ngoan hiền, chăm sóc mẹ vợ ăn ngủ chu đáo, dìu từng bậc thang lên nhà sàn mặc ánh mắt vợ lườm nguýt cũng vẫn cứ cười, vẫn giao lưu đầy đủ không thiếu chén rượu nào, một mình vác hết 5 đến 6 thùng hàng của phụ nữ trong họ hàng ra xe, khâm phục quá. Tớ ngồi nói chuyện với mẹ Nga, cụ cứ repeat câu " tôi chỉ có 1 con gái và 1 thằng rể thôi đấy" mới thấy lớp ta có chàng rể hiền xứng đáng đầu tiên.
Tạm biệt Mai Châu, tạm biệt núi rừng đầy sương bạc, đoàn lên xe về Hà Nội có qua thăm thủy điện Hòa Bình nhưng trong tớ vẫn đọng đầy cảm giác Tây tiến gần gũi từ sâu thẳm. Đưa Huyền và Thục Phương về nhà, bấm điện thoại thấy mấy bạn đi 1 mình cũng về đến nhà bình yên, cảm giác chuyến đi mỹ mãn, chỉ tiếc có mấy điểm đến chưa đi được, hẹn sẽ tắm khoáng và thuốc bắc lần sau vậy. Về đến nhà con gái 3 tuổi chạy ra đón đầu tiên, móc ba lô lấy con búp bê Thái đỏ đưa cho nó thấy cơm nhà đã "lên khói" nhìn đĩa thịt gà vợ bày ltrên mâm ại thấy "hồn về Sầm nứa chẳng vể xuôi".
Vài cảm tưởng theo góc nhìn và cảm nhận về chuyến đi, các bạn khác cùng bổ sung các miếng ghép khác để bức tranh toàn cảnh sinh động, rõ nét hơn nhé.