3/6/09

Bản kiểm điểm "thành công nhất"

Tôi xin kể lại một kỷ niệm ngày còn đi học PTTH. Tôi là học sinh lớp A khoá 1986 – 1989 do thầy giáo Nguyễn Văn Ngọc làm chủ nhiệm (thầy là giáo viên toán). Câu chuyện đã qua lâu,các chi tiết tôi không còn nhớ chính xác 100% nữa nên mong mọi người thông cảm.

Tôi vẫn còn nhớ đó là năm học lớp 12, hôm ấy thầy Ngọc chủ nhiệm có 2 tiết toán cuối. Lớp tôi nằm ở phòng đầu tiên ngay sát cổng trường nên thường theo dõi rất sát các di biến động của thầy cô có tiết trong ngày. Hôm đó chúng tôi phát hiện ra là đã đến hết tiết 3 nhưng thầy Ngọc chưa đến. Không khí nghỉ học râm ran khắp lớp, tuy có người nói ra, có người không. Trống báo vào tiết 4 mà vẫn chưa thấy thầy đến, mõi người bắt đầu bàn tán, mong ngóng chờ đội 5 phút chôi qua (nghe đồn theo qui định nếu quá 5 phút chúng tôi sẽ được nghỉ). Rồi hiệu lệnh 5 phút cũng được phát ra, cũng không biết ai phát ra và cũng không biết đã đủ 5 phút chưa. Thế là chúng tôi ào ra (không phải tất cả lớp nhưng tôi nhận thấy là khá đông- tất nhiên chủ yếu là con trai), yêu câu bác bảo vệ mở cổng rồi lao thật nhanh ra khỏi trường vì sợ nếu không nhanh, gặp thầy lúc đấy thì quá phí công. Nhưng khi tôi chạy cách cổng trường khoảng 50m thi nghe thấy tiếng gọi quay lại, thông báo Thầy Ngọc đến rồi. Các bạn thử tưởng tượng cảm giác sắp đến “thiên đường” rồi thì bị kéo dật lại nó thất vọng như thế nào. Tôi quyết định vẫn cứ tiếp tục đi về, coi như không nghe thấy và một điều nữa là tôi nghi có rất đông “đồng đội” như vậy thì không sợ.


Hôm sau ung dung đến trường thì nghe tin chính xác là thầy Ngọc có đến, lớp học tiếp và một điều quan trọng là số đông “đồng đội” đã “B quay”, chi còn lại 6 “đồng chí” bị bắt, trong đó có tôi. Hướng giải quyết là chắc chắn bị kiểm điểm, có khả năng mời phụ huynh và cho nghi học… Lo lắng cứ kè kè cho đến lúc vào tiết toán của thầy Ngọc. Thầy cho gọi 6 đồng chí bỏ học (không bỏ mà là nghỉ học chính đáng). Thầy cũng giải thích rằng hôm đấy theo đồng hồ của thầy thì thây chưa bị muộn (làm sao chúng tôi biết được đồng hồ thầy chậm hay đồng hồ của trường nhanh) và như vây là chúng tôi đã tự ý bỏ học. Thầy yêu cầu 6 đứa chung tôi viết bản kiểm điểm (tường trình) và sẽ xem xét hình thức kỷ luật sau đó. Thế là chúng tôi bắt đầu lo lắng thật sự và hiểu là số phận mình phụ thuộc vào Bản kỉêm điểm này đây. Các chiến sĩ thoát nạn nhin chúng tôi khoan khoái vì đẫ tỉnh táo “quay lại bờ”. Theo phản xạ, tôi bắt đầu nghi ra vô vàn lý do sao cho hợp lý, đáng thương nhất. Nhưng rồi chẳng thấy phương án nào ổn cả và cứ thấy bất an trong lòng (Nói thực là tôi rất sợ và rất ghét phải nói dối loanh quoanh, mặc dù nhiều lần phải nói dối). Tôi phải nói thêm rằng, ngay từ ngày đầu vào lớp, thầy Ngọc đã để lại trong tôi và đa số mội người ấn tượng đây là một thầy chủ nhiệm thẳng thắn, cởi mở với học sinh. Thây luôn luôn khuyến khích chung tôi đối thoại như những người bạn. Nghĩ lung tung mãi, tôi quyết định là viết toàn bộ sự thực rồi thì đến đâu thì đến. Đại ý tôi viết rằng hôm đấy tôi có nghe thấy mọi người báo lại thầy đến rồi nhưng vì đã ra khỏi trường và thích nghỉ học quá nên cứ đi về và tôi xin chịu mọi hình thức kỷ luật (tất nhiên là có trình bày và xin thầy ra tay sao cho nhẹ nhất để chúng em còn có cơ hội phấn đấu thành người tốt, không bị kẻ xấu ru rê…). Viết xong đem nộp cho cán bộ lớp tôi thấy nhe cả người nhưng vẫn hồi hợp chờ kết quả. Đến hôm “xét xử”, tôi cảm thấy tương đối an long khi thấy thầy bắt đầu nhẹ nhàng, không có vẻ gì là bực bội cả. Thầy nói thầy đã đọc tẩt cả các bản kiểm điểm, thấy rất nhiều lý do và trong đó có cả lý do rất đáng yêu như bỏ về vì thích nghỉ học (lời tự thú của mình đây) … và thầy quyết định tha cho tất cả nhưng phải hứa không được tái phạm. Quá đơn giản vì “hứa” là nghêd của học sinh chúng tôi mà.


Câu chuyện chỉ có vậy. Sau này mỗi khi gặp gỡ, chúng tôi vẫn thường nhắc lại nó cùng với rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ khác của thời đi học. Riêng tôi thì rút ra một điều, chân thật là con đường gần nhất và dễ dàng nhất để đến với nhau. Có một điều, tôi vẫn nghĩ hôm đó Thầy Ngọc quên lên dây cót đồng hồ thật (thời đó đa số đeo đồng hồ cơ).


Nhưng cuộc đời không đơn giản chút nào. Nghĩ được là một việc, còn làm được thì lại là một việc khác. Hiện tại, đa số những lần tôi nói thật với vợ thì xảy ra chiến tranh ác liệt, còn những lần nói dối thì tỷ lệ thoát rất cao. Thế mới lạ chứ.

- N.T.D
Học sinh khá toàn diện 12A -

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét