3/6/09

Những ngày đầu tiên

1. Hà Nội

Tháng 5/1987 tôi và mẹ từ quê ra thủ đô đoàn tụ gia đinh với bố và anh chị. Chuyến tàu đêm Thanh Hóa – Hà Nội hôm ấy để lại cho tôi một ấn tượng khó quên khi phát hiện ra một trong hai túi hành lý đa không cánh mà bay, hơn nữa toàn bộ tiền và các thứ có giá trị đều ở trong cái túi đó.

Hà Nội những năm đó khác xa bây giờ, nhưng đối với một đứa nhà quê như tôi thì có quá nhiều điều xa lạ, bỡ ngỡ. Tôi được ở nhà tầng, có điện và được xem tivi (nhờ hàng xóm) …

Ngay hè ấy tôi được bố gửi vào một lớp học thêm, tuần học 4 buổi: Đại số thầy Thành, Hình học thầy Sắn, Vật lý thầy Điện, Hóa học thầy Thắng. Lớp học tại trường Thăng Long. Học sinh trong lớp chủ yếu từ trường chuyên HN-Asterđam và Thăng Long, số này có Phong (“mén”), Lam (“lác”), Lâm (“la”), Sinh (“bột”), … và một số bạn gái như Thảo, An, … Ở nhà thì bố tôi bổ túc thêm toán để “ theo kịp được bọn Hà Nội”. Được vài hôm thì nhóm học kèm này có thêm Bình (“bò”), Quang (“sọt”) . . . là con của các bạn bố tôi cùng tham gia, cũng là học sinh của Thăng Long.

Bố tôi lo tìm trường nhập học cho tôi, nguyện vọng 1 là trường PTTH Thăng Long, vì biết là rất khó nên cũng chuẩn bị thêm phương án 2 là trường Hai Bà Trưng thì phải. Rất may là gần đến ngày khai trường thì mong muốn của bố tôi được thực hiện, hơn thế nữa tôi còn được vào lớp 11A, lớp chọn của trường. Ngày nay khi nhìn các phụ huynh vất vả lo cho con vào học các trường điểm như trường Thăng Long tôi càng thấy ngày xưa mình đa may mắn như thế nào và lại thầm cảm ơn thầy Ngọc, thầy chủ nhiệm lớp 11A năm ấy đã nhận tôi vào lớp. Khi đồng ý nhận tôi vào lớp thầy còn chưa biết mặt tôi, chỉ xem 2 bài kiểm tra toán tôi làm ở lớp học thêm mà thôi.

2. Thăng Long

Ngày đầu tiên đến lớp 11A Thăng Long, Lâm la đến rủ tôi đi học và tôi ngồi luôn cạnh cậu ta ở bàn gần cuối lớp, thẳng phía bục giảng của thầy giáo. Khi thầy Ngọc vào lớp thầy giới thiệu tôi với cả lớp và xếp luôn tôi ngồi ở đó. Cùng tân binh với tôi còn có một bạn nữ, tên là Thục Phương, chuyển từ chuyên Toán của HN-Asterđam về. Tôi không nhớ rõ lắm những giờ học đầu năm ấy, chỉ nhớ giờ ra chơi tôi rụt rè ngồi yên trong lớp nhìn các bạn vui chơi trong lớp, ngoài sân. Có một cậu cao to khi vào lớp hát trêu tôi một bài mẫu giáo:

Bạn mới đến trường
Vẫn còn nhút nhát
Em dạy bạn hát
Rủ bạn cùng chơi
Cô thấy cô cười
Cô khen em tốt


Tôi ngồi ở đầu bàn phía trong, sát cửa sổ nhìn ra nhà để xe đạp. Ngồi phía tay phải tôi lần lượt là Lâm la, Dương (cậu này có một biệt hiệu dễ nhớ nhưng khó gọi) và Hùng sói. Phía sau là bàn cuối gồm Quang sọt, Sơn khỉ, Bắc chấy (là cậu đa hát trêu tôi) và Bình bò. Bàn trên có 5 cậu người be bé là Tuấn Anh, Sơn phì, Khánh tẩy, An xồm và Hoài tàu. Ba bàn ở góc lớp này hợp thành 1 tổ, hình như là tổ 4. Không nhớ là vào học được bao nhiêu ngày thì tôi bất ngờ được thầy chủ nhiệm cử làm tổ trưởng. Lúc ấy tôi lờ mờ hiểu rằng tổ mình là một tổ “cá biệt”: nghịch nhất, học kém nhất và toàn đực rựa. Nghịch nhất vì hình như không có giờ học nào Bình bò, Bắc chí chịu yên lặng, thường bị thầy cô phạt; học kém vì cuối học kỳ 1 năm ấy thầy giáo chủ nhiêm phải đề nghị nâng điểm một môn học nào đó của Hùng sói lên 6,5 để tổ 4 có được 1 học sinh tiên tiến. Còn toàn đực rựa thì đó là khác biệt của tổ 4 so với các tổ còn lại. Hồi ấy mấy cậu tồ có khi còn hãnh diện vì điều đó nhưng bây giờ nghĩ lại chắc ai cũng thấy thiệt thòi. Tôi rất sợ những buổi sinh hoạt lớp cuối tháng, các tổ trưởng phải lên bảng viết tên các bạn trong tổ cùng đánh giá các mặt học tập, hạnh kiểm và lao động. Từ trên bảng về chỗ, chưa kịp ngồi xuống tôi đa nhận được tới tấp đơn khiếu nại miệng về kết quả xếp loại bay đến từ xung quanh, chủ yếu là về phần hạnh kiểm, lúc ấy tôi thấy ghen tỵ với các tổ khác quá.

3. Ba Vì



Học được khoảng 2 tuần thì lớp 11A cùng với 11G tham gia vào đợt lao động hướng nghiệp trên lâm trường Ba Vì, mỗi lớp chọn 40 học sinh đi “thoát ly gia đình” 1 tuần. Không khí trong lớp sôi động hẳn lên, đặc biệt ở tổ 4, vẻ náo nức hiện rõ lên từng khuôn mặt, mọi câu chuyện đều hướng về miền sơn cước xa xôi ấy.

Vậy mà đến sát ngày lên đường thì Bình bò lại bị out, nguyên nhân lại là mộ trò nghịch ngợm nào đó trong giờ học (các bạn có nhớ là Bình phạm khuyết điểm gì không?) và bị thầy giáo phạ. Thật tiếc vì hôm trước bố Bình có hứa sẽ đi công tác Ba Vì và ghé thăm con.

Sáng hôm sau lớp 11A tập trung ở cổng trường, lên một chiếc xe to nhưng hình như là hơi cũ. Tôi mang một chiếc ba lô bộ đội bạc màu, các bạn khác cũng lỉnh kỉnh túi to túi nhỏ. Xe được chất thêm đầy gạo, rau, …trông như một chuyến xe khách hồi đó. Cùng đi với thầy Ngọc còn có cô Vân Hà hiệu phó, cô Phượng (mẹ Phong mén) phụ trách hậu cần,… tôi không nhớ rõ lớp 11G của thầy Khuông đi như thế nào, hình như xe này chở lớp tôi xong lại quay về đón lớp 11G đi tiếp.

Xe chuyển bánh lên đường, trên xe tràn ngập tiếng cười nói, trêu đùa lẫn nhau. Những đường phố Hà Nội khi ấy còn nhỏ hẹp, ít xe cộ và nhiều cây xanh dần trôi qua. Những ruộng lúa, vạt rau xuất hiện, anh em bắt đầu ngó ra cửa sổ háo hức quan sát. Khi xe qua đoạn Láng hay Cầu Giấy gì đó thôi, thấy một đám thanh niên đang đào kênh, mấy siêu quậy lập tức hò reo, thò tay ra ngoài cửa sổ trêu chọc “trai làng, gái bản”. Cũng rất nhanh, từ dưới kênh, những cục đất vèo vèo bay lên đập bình bich vào thành xe để trả lời. Lúc này thầy Ngọc và các bạn nữ bị say xe ngồi ở mấy hàng ghế đầu, để cho đám con trai ngồi cuối xe được khá tự do.

Hồi đó chưa có đường cao tốc Láng – Hòa Lạc nên có lẽ xe chúng tôi đi qua đường 32. Khi hai bên đường xuất hiện những vạt đồi thoai thoải có bạn biết đường bảo đây là đường Việt nam – Cu ba. Lúc này trên xe đã yên lặng hơn, một số bạn mệt nhắm mắt ngủ, số còn lại ngóng ra ngoài xem mình đang đến đâu.

Xe rẽ vào một cung đường đất sỏi rồi dừng bánh trước một ngọn đồi nhỏ. Chúng tôi hò nhau xuống xe, chuyển đồ đạc lên ngôi nhà nhỏ trên đồi. Lớp 11A ở trong 2 gian phòng rộng có thông với nhau. Phòng con trai ở gồm 12 chiếc giường tầng kê sát nhau, lối đi ở giữa. Phòng các bạn nữ ở ngay bên cạnh, có ít giường hơn. Lớp 11G ở đầu hồi bên kia của ngôi nhà. Nhà có thềm rộng bao quanh, mỗi phòng có cả cửa ra vào đằng trước và đằng sau. Đầu hồi nhà có một cái giếng to, sân phơi và nhà tắm. Kề giếng là nhà bếp và kho dụng cụ. Trước nhà ở có một cái sân đất, có buổi chiều các bạn trai đá bóng, đá cầu ở đó. Cạnh sân có một đống gỗ lớn, chiều chiều đám con trai tắm rửa xong cứ may ô quần đùi (còn gọi là côn-đui) ra đấy ngồi ngắm hoàng hôn xuống, nghe Hùng lùn bập bùng ghi-ta trong tiếng gió ngàn.

Khu nhà ở của chúng tôi biệt lập hẳn với xung quanh. Đứng trên đồi nhìn ra xung quanh chỉ thấy đồi cây lúp xúp, chẳng thấy nhà dân hay nhà của công nhân lâm trường. Một phía còn thấy núi đá ở rất gần, vách đá dốc, cây cối um tùm trông đầy bí hiểm. Thế mà nghe nói có một nhóm nào trong lớp đa thử leo lên núi đó. Nhưng gần hơn là những hố đào vàng bỏ hoang lở lói cả những triền đồi. Ngay chiều hôm đầu tiên ấy, Hòa cồ đa dẫm vào một mảnh sành trong một cái hố như vậy. Khi Bắc chí cõng Hòa cồ về, máu từ bàn chân cứ chảy tong tong, khiến cả lớp nháo nhác. Thầy giáo lập tức nhắc nhở cả lớp những điều cần lưu ý, tôi chỉ nhớ thầy dặn ra ngoài phải đi đông người, nhất là các bạn nữ. Các bạn nam phải để y bảo vệ các bạn gái. Việc này Hưng cẩu quán triệt rất tốt.
Thầy chia lớp thành từng nhóm cùng mâm khi ăn cơm, mâm nào cũng có ít nhất một bạn nữ. Mâm của tôi có Hải An, cô bạn có đôi mắt đen láy và má lúm đồng tiền làm tôi xuýt bị đói bữa đầu tiên. Lâm la, Bắc chí thoắt cái lùa hết bát cơm rồi chạy ù đi, để lại mình tôi đỏ bừng mặt mũi đánh vật với đĩa rau muống luộc chấm nước mắm. Cái thứ rau quái quỷ, cọng dài ngoẵng quấn với nhau thành búi to tướng, gỡ mãi mới ra.

Mỗi đứa chúng tôi mang theo một cái bát, một đôi đũa tre và một cái thìa nhôm. Đến giờ ăn phân công xuống bếp lấy cơm, thức ăn mang lên ngồi ăn trên thềm nhà. Tôi không nhớ rõ ai là đầu bếp, có lẽ là công nhân lâm trường, hình như họ còn rửa bát cho chúng tôi nữa. Những bữa ăn đâu tiên khá tươm tất, nhưng mấy hôm sau, thực phẩm cạn, phải ăn rau muống héo luộc chấm nước muối. May sao giữa tuần lại có một đợt tiếp tế lương thực lên, một số phụ huynh cũng gửi thức ăn theo. Hôm ấy lớp lại có một bữa tươi, nếu tôi nhớ không nhầm thì đó là món thịt chó. Có cậu nói đùa, con chó này về hưu rồi (có liên quan đến “tổ hưu” của lớp đấy). {Chi tiết này có lẽ không chính xác bởi liên hoan thịt chó vào buổi cuối, từ đó mới phát sinh biệt hiệu Hưng “cẩu” qua các câu chuyện sau}.

Tối đầu tiên xa nhà, cả lớp tập trung dưới ánh đèn bão trong phòng nghe thầy giáo nói chuyện rồi ca hát. Hùng lùn hát bài “Một chuyến bay đêm”, hay và hợp tâm trạng lúc đó đến mức thầy giáo đề nghị chọn bài này làm “lớp ca”, Phong phệ chơi ghita không lời, tổ hưu gồm Dũng mốc, Đ. Quang, Vân đầm,.. đứng lên tốp ca bài “Biển nhớ” vừa lim dim “Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về…” vừa đung đưa thân hình rất chuyên nghiệp …

Thầy giáo bảo hôm nay đi đường mệt, các em ngủ sớm để ngày mai bắt đầu công việc. Đèn tắt nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục nói chuyện, đàn hát và cười đùa. Thầy Ngọc và cô Vân Hà phải mấy lần đến nhắc nhở chúng tôi mới tạm yên. Mệt nhưng lạ giường mãi tôi không ngủ được. Đêm ấy Hải “lé” ngủ mê ngã từ giường tầng hai xuống đất. Khi tôi vừa lơ mơ thì bỗng nghe mọi người hò nhau dậy, đi ra giếng rửa mặt đánh răng xong về phòng trời vẫn tối đen, thì ra là chỉ mới 2 giờ sáng (hình như cả lớp chỉ Lam lác có đồng hồ). Chẳng nhớ là chúng tôi làm gì cho đến lúc trời sáng, chỉ biết là khi cả lớp tập trung nghe cán bộ của lâm trường giảng về công việc, tôi liên tục ngã chúi đầu vào lưng người ngồi hàng ghế trước vì ngủ gật.

Chiều hôm ấy, lớp tôi bắt đầu công việc phát cỏ, cây dại trên các vườn cây trồng quanh nhà, nhận cây giống đi trồng thêm. Ngay khi nhận cuốc từ kho, một bạn nữ đã bị lưỡi cuốc va vào gót chân, phải nghỉ ở nhà. Do được ngủ bù một lúc trưa nên buổi chiều tôi đã tỉnh hơn. Tôi lầm lũi cuốc đất dọc các hàng cây trồng còn thấp hơn cây mọc dại. Bí thư thấy vậy trêu “bạn H. ơi, sang làm giúp bọn tớ với”, làm tôi thêm một phen lúng túng.

Làm việc “gần nhà” một vài hôm thì lớp tôi bắt đầu đi làm ở một quả đồi xa, cách chỗ ở khoảng 7 cây số. Đường đi về quanh co qua những triền đồi đầy hoa mua, hoa sim. Thỉnh thoảng gặp một cây mâm xôi ven đường bọn Tuấn đen, Hoài tàu lại xúm lại hái ăn. Thấp tháng một vài mái nhà của đồng bào dân tộc, một vài đứa trẻ đen đủi khuân những bó củi lớn về nhà. Rồi chúng tôi trèo lên những con dốc cheo leo, chân người đi trước có thể va vào mặt người đi sau. Cây rừng lòa xòa hai bên, bắt đầu những tiếng kêu la hốt hoảng vì vắt cắn. Những con vắt bám vào cổ, vào đùi từ lúc nào, hút máu đến khi căng tròn mới bị phát hiện.

Quả đồi mới của lớp tôi um tùm lau sậy, nhiệm vụ là phải phát quang hết. Bốn tổ được chia ra phụ trách 4 luống. Ở đây tổ 4 phát huy ưu thế “tứ chi phát triển” của mình, chúng tôi phát cây băng băng, bỏ xa các tổ khác. Đến khi nghỉ, anh cán bộ lâm trường đo tổ tôi phát được 200 mét thì tổ thứ hai chỉ mới phát được 80 mét. Tổ tôi đứa nào cùng dương dương tự đắc, tuy nhiên sau đó bọn tôi cũng chia nhau giúp các tổ khác. Hôm ấy trời nắng gắt, ai nấy mặt mày đỏ ửng, nhất là mấy bạn gái.

Buổi trưa chúng tôi ngồi ăn cơm nắm mang theo bên bờ một con suối ở dưới chân đồi. Nước khá trong, có bạn ăn xong múc nước suối uống. Buổi chiều, cả lớp chầm chậm ra về, đội hình mệt mỏi kéo dài lê thê, số người về đầu tiên tắm rửa sạch sẽ, ngồi chơi rồi thì số đi sau mới về đến nhà.
Chúng tôi chỉ làm xa nhà 2 ngày rồi lại về làm ở xung quanh khu nhà ở. Một hôm trời mưa, cả lớp được nghỉ. Bố Bình bò từ nông trường bò sữa Ba Vì sang thăm, biếu mỗi cháu 2 lít sữa tươi. Có lẽ không quen bụng một số bạn bỗng chăm đi ra sau đồi hơn. Chiều, tôi đang ngồi xem Khánh tẩy, An xồm chơi cờ vua thì chứng kiến một dòng sữa tươi từ giường tầng trên rót thẳng vào hội cờ. Một cậu nào trong lúc mơ màng đã đạp đổ khẩu phần của mình.

Những ngày ở Ba Vì, chúng tôi thường có cảm giác thèm ăn. Một số cậu con trai đã tìm thấy một cái quán ở đâu gần đấy, có bán bánh chưng con. Các cậu ấy giấu thầy giáo, Lâm la rủ tôi ra quán nhưng tôi không dám đi.

Buổi tối cuối cùng ở đấy, sau khi ăn một bữa tươm tất, cả lớp lại liên hoan văn nghệ. Lần này các bạn hát nhiều hơn, các bài hát này thực ra đã được nghêu ngao suốt cả tuần ở đấy rồi: “Mây lang thang”,”Đời tôi cô đơn”,””Tình có như không”,… Một tuần bên nhau ai nấy đều thấy bạn bè thân thiết hơn. Mai về thủ đô, bỗng dưng thấy có chút gì như lưu luyến nơi này.
Thời gian qua thật nhanh, cả lớp tôi lại lên xe về Hà Nội. Đứa nào cũng rám nắng, trông đầy vẻ “phong trần”. Xe chạy qua đoạn đường quanh co dưới chân đồi, nhiều đứa nghển cổ nhìn lại ngôi nhà “của chúng mình” đang khuất dần sau đồi cây xanh. Khi đến con suối cạn, chúng tôi đua nhau lôi mấy cái bát cũ ra ném xuống khe, bảo nhau rằng, hai mươi năm nữa, khi người ta tìm thấy chúng sẽ là đồ cổ.

Vậy mà hai mươi hai năm đã trôi qua.

P/S: Các bạn, tôi viết chuyện này, có thể là hơi dài dòng, kể lể. Thực sự đối với tôi, những ngày ở Trung tâm lao động hướng nghiệp của Lâm trường Ba Vì rất có ý nghĩa, nó đã giúp tôi hòa nhập với tập thể 11A. Ở đây tôi đã chơi cờ với An xồm, chia sẻ sách truyện với Khánh tẩy, học chụp ảnh với Quang sọt. Tôi đã lẩm nhẩm hát theo các bạn, những bài hát vang mãi bên tôi suốt thời sinh viên cũng như bây giờ. Sau này lớp mình còn có những kỷ niệm khác như đi tham quan chùa Tây thiên, đi xem phim ở rạp Tháng Tám, liên hoan ra trường ở nhà Uyên, v v … Nghĩ lại, tôi luôn thấy mình may mắn được học trong một lớp rất đoàn kết, gắn bó, có những người bạn tốt, giàu trách nhiệm với tập thể. Lần này kỷ niệm 20 năm ngày ra trường, tôi có một giấc mơ, có thể hơi viển vông là: lớp mình tập trung đông đủ, ngồi vào bàn như trong lớp học cũ (lớp 11 hoăc 12), đón thầy Ngọc đi vào phòng, cả lớp đứng dậy chào, Uyên hoặc Phương báo cáo sỹ số. Thầy giáo nói chúc mừng và cả lớp nâng cốc “hura”…

- Huyền -

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét