1. Nhà quê ra tỉnh
Nói thế cũng không ngoa, vì thực sự phường Vĩnh Tuy khi đó là ven đô Hà Nội, đi mấy bước nữa là ra huyện Thanh Trì. Theo đúng tuyến, đáng ra tớ sẽ học ở trường Lý Tự Trọng, nhưng bố mẹ tớ nghe nói trường đó học sinh hay đánh nhau nên nhờ người nhà xin cho tớ vào Thăng Long (sau mới thấy Thăng Long cũng đao kiếm ra phết). Khi xin mới hay, có loại lớp được gọi là lớp điểm của trường. Thấy bảo đi thi thì tớ cũng đi, sau thấy bảo đỗ thì cũng biết là đỗ, chả có cảm giác gì và cũng chả biết được bao nhiêu điểm. Vào lớp tớ mới biết đa số bạn trong lớp vừa mới đi thi lớp chuyên về, lúc đó mới biết có cái trường gọi là Hà nội Amsterdam. Vào học vài tuần đã thấy bàn chuyện đi học thêm để chuẩn bị thi đại học, làm tớ rất ngạc nhiên vì ba năm nữa mới thi cơ mà. Hóa ra là nhiều bạn đã được định hướng ôn thi ngay từ lớp 10 để có thể đủ điểm đi nước ngoài, thậm chí có bạn còn học thêm tiếng Nga để sẵn sàng lên đường. Trong khi mình thì chỉ mới xác định vào học cấp 3 cho tốt cái đã.
2. Những người bạn đầu tiên
Đợt đó, tớ được đi Sầm Sơn chơi nên nhập học muộn, suýt bị thầy Ngọc không nhận và không có thời gian làm quen với ai. Người đầu tiên tớ làm quen là Đức Bình, tức Bình bò, đơn giản vì nó làm quen với tớ trước, chắc thấy tớ ngơ ngơ ngáo ngáo chẳng biết mô tê ất giáp gì trong khi các bạn khác trò chuyện với nhau rất vui vẻ. Sau đó là dắt dây qua Tiến Dũng, chả hiểu sao Bình bò và Dũng bazơ lại quen nhau.
Trước khai giảng, thầy Ngọc xếp vị trí ngồi trong lớp thành hai dãy, một dãy là các bạn có bố mẹ ở trường Bách Khoa, dãy kia là các thành phần còn lại. Về vụ chia chỗ ngồi thì năm sau tớ nhớ là thầy Ngọc lại yêu cầu xếp hàng sao cho hai người cùng hàng cao bằng nhau thì sẽ xếp ngồi chung một bàn.
Chia chỗ xong thì tớ ngồi cạnh Trung Sơn, tức Sơn khỉ, bên phải là Vân Khánh và Hương Thơm, phía trên là Linh Chi và Mai Hương, dưới là Việt Hòa, Việt Hưng. Tớ làm quen thêm với Hòa cồ và Hưng cẩu vì cùng đường đi học về, và rất thán phục Hòa cồ vì chiêu vừa ngồi trên xe vừa lắp lại cái xích xe đạp bị tuột.
Về sau thì làm quen dần với Đăng Quang, Trung Dũng, Quang Vân, Cảnh Lam, Thế Hùng, … giờ không nhớ nổi là trong hoàn cảnh nào.
3. Chuyện học
Mấy tiết Toán đầu, thầy Ngọc viết lên bảng một đề toán khai căn dài loằng ngoằng với rất nhiều lớp, nhìn hoa cả mắt. Sau đó gọi một bạn lên giải, nhoằng cái đã xong. Tớ hoang mang tột độ vì chả hiểu gì cả. Hồi đó chưa ngộ được câu “Đi đâu cũng chép cũng ghi, không biết thì hỏi tự ti làm gì” nên chỉ làm mỗi vế đầu là chép lại toàn bộ. Không dám hỏi thầy hỏi bạn đã đành, về nhà cũng không dám hỏi bố mẹ, ngồi thức cả đêm để tìm hiểu. Cũng phải mất mới hôm mới hiểu được là hóa ra cái đống loằng ngoằng trong dấu căn bậc hai đó phải được chuyển thành dạng (a ± b)2. Sau mới biết món này nhiều người đã được học, chỉ vì mình nhà quê nên không ai dạy. Nhưng cũng vì mầy mò nhiều nên bài kiểm tra Toán đầu tiên, tớ được 10 điểm, sướng như điên.
Một tiết Sử do thầy Tú dạy, tớ đang lơ mơ ngó ra ngoài cửa sổ thì bị thầy bắt đứng dậy vì tội nói chuyện riêng. Của đáng tội, tớ không hề nói năng gì cả mà lúc đó Linh Chi và Mai Hương đang nói chuyện (vụ này thì nhớ lắm J). Nhưng lúc đó chả hiểu sao tớ lại trả lời thầy là đang nhẩm bài, bị thầy hỏi cho một câu khó quá không trả lời được. Thế là thầy ghi tên tớ vào Sổ đầu bài vì tội đã nói chuyện riêng lại không học bài, kèm thêm một con 0. Tức quá, khi tan học tớ nói chuyện với mấy bạn khác, có gọi thầy là “lão”. Thầy Ngọc nghe thấy, thế là tớ có vinh dự “được” mời bố mẹ đến trường gặp thầy.
Một tiết Lý do thầy Liễn dạy, tớ và Dũng bazơ tranh luận với nhau vì thầy có vẻ dạy sai. Thế là thầy xuống tận nơi gọi hai thằng đứng dậy, ông Dũng bazơ nhanh mồm chỉ tớ bảo “thưa thầy, bạn này có ý kiến”. Thế là tớ phải trình bày và kết quả là “0 điểm, ngồi xuống”. Sau thầy hình như nhận ra và có dạy lại phần này, nhưng tớ vẫn có con 0. Phong mén may mắn hơn tớ, có đứng lên tranh luận với thầy Ngọc trong tiết Toán mà không bị 0 điểm J.
Một tiết Chính trị do thầy Bình dạy, tớ bị gọi lên trả lời miệng. Môn này tất nhiên là tớ không học (chắc ít người học). Thầy Bình kiểm tra miệng thường kèm kiểm tra vở luôn xem có chép bài không. Hồi đó bàn giáo viên lại không đặt trên bục nên khi đặt vở lên bàn, tớ quay cho chữ xuôi về phía mình để nhòm. Tuy nhiên trước đó do trêu nhau với ai chẳng rõ (chỉ có Thục Phương hoặc Hoàng Anh J), có bạn vạch vài nét bút chì vào vở tớ, mờ thôi nhưng thầy vẫn nhìn thấy và xoay lại để xem là cái gì. Thế là tất nhiên nhận “0 điểm, về chỗ”, khỏi trình bày.
Một tiết Hóa do cô Hậu dạy, có kiểm tra 15’. Cô Hậu ra hai đề chẵn lẻ, và một hội ngồi gần nhau làm nhầm đề, nhưng lý luận là không làm đề giống nhau là được. Khi trả bài, mỗi đồng chí nhận một con 0 to tướng ngoài điểm số thật bị gạch chéo.
Không hiếu sao ba năm học, tớ lại nhớ được mỗi lần được 10 điểm còn toàn nhớ những lần bị 0 điểm, thế mới lạ J.
Một tiết Đạo đức do thầy Ngọc dạy, tớ lại bị bắt đứng lên vì nói chuyện riêng. Lần này thì đúng là nói chuyện thật. Tuy nhiên nói chuyện riêng là một phần tất yếu của cuộc sống J. Không hiểu sao thầy quyết định đuổi tớ ra khỏi lớp và mời bố mẹ đến trường. Vì sau đó, các bạn nam ở lớp hay ra sân bóng chuyền cũ của trường Bách khoa để đá bóng nên tớ đạp xe lòng vòng trên phố một hồi rồi quay về. Ra sân thấy hội bạn bảo sau thầy có hỏi cả lớp là xử tớ thế có nặng không. Nặng quá chứ còn gì J. Vì thế tớ được giảm án mời bố mẹ.
Tóm lại trong ba năm, tớ phải mời bố mẹ một lần, bị đuổi học một lần, xứng đáng là học sinh cá biệt của lớp 12A chúng ta J.
Nói qua về chuyện học thêm, hồi đó đúng là Hội phụ huynh của lớp tổ chức được một lớp học thêm rất tốt, kỷ luật vô cùng. Một lần tớ đi học thì mưa to quá ướt hết quần áo nên không đến lớp nữa, thế mà bị viết kiểm điểm vì hôm đó thi thử. Một lần khác thì trốn học đi chơi với hội Đăng Quang, Trung Dũng vì hội đó tham gia trại hè của phường. Cũng bị chú Khôi bắt làm kiểm điểm. Học thêm mà cũng bị kỷ luật, nói với người khác họ ngạc nhiên lắm.
4. Chuyện quậy
Học trò mà không quậy phá, nghịch ngợm mới là lạ. Tuy nhiên chỉ nhớ được mấy chuyện.
Hồi mới vào học, Hưng cẩu có trò treo xe đạp của ai đó lên xà ngang của nhà để xe, làm mấy bạn gái phát khóc vì không lấy được xe xuống. Sau mấy thằng tìm cách treo xe của Hưng cẩu lên, mà làm cho bánh xe kẹt luôn vào giữa xà với cột, loay hoay chán mới lấy được. Hòa cồ thì có trò bốc cát ném, ai mà trêu nó là nó ra sân trường làm một vốc cát ném bụi mù, chả ai dám trêu nữa.
Trò vui khác là lột giầy của Phong mén vứt lên mái nhà. Hồi đó hình như chỉ có Phong mén đi giầy thôi thì phải. Mà phải nói Phong mén rất khỏe, bốn thằng giữ tay giữ chân mới lấy được giầy của nó.
Trong tiết Văn của cô Oanh, ông Dũng bazơ nghĩ ra một trò là giấu tờ giấy trắng trong ngăn bàn giả vờ quay bài. Tất nhiên cô mắc lừa và tức lắm. Nhưng chuyện chưa dừng ở đó. Khi hết tiết, Dũng bazơ trêu Hòa cồ, Hòa cồ đuổi theo vung tay vung chân thế nào va phải cô Oanh. Thế là Dũng nhà ta bị quy tội có âm mưu hãm hại giáo viên và sau phải đến tận nhà cô xin lỗi.
5. Chuyện chơi
Ngày đó có vẻ chuyện chơi bời không được ủng hộ lắm vì nhiều người được định hướng học để đi nước ngoài mà. Tớ nhớ thầy Ngọc định tổ chức lớp học nhảy nhưng rồi nhiều phụ huynh phản đối nên không thành. Tuy nhiên tớ cũng tham gia được một hội, thực ra là chung một tổ. Hội này thỉnh thoảng rủ nhau ra công viên chụp ảnh, có lần chụp chán chê thì bị kẹt phim, mở ra xem thế là phim bị cháy hết. Sau chả biết ai giữ đống ảnh này.
Tối 30 Tết thì cả hội có màn tụ tập ở nhà ai đó, mỗi người mang một thứ gì đó đến góp vui, đến gần giao thừa thì về. Có lần ở nhà Đăng Quang, có lần ở căn hộ bỏ không của bố mẹ Vĩnh Sinh. Tớ nhớ một đêm 30, Lam lác đi chơi bằng xe Mifa. Cả hội rủ nhau nhảy lên thế là cong vành, sau tớ và Dũng mốc phải đưa Lam về nhà, rồi cong mông đạp xe về vì sợ quá giao thừa thành ra xông đất, xung quanh pháo đốt sớm nổ râm ran.
Có một đợt tổ chức đi Tây Thiên, chùa đang xây nên ai lên chùa cũng được bảo phải mang một viên gạch hoặc viên ngói lên, nếu giữa đường mà vứt thì Cô vật chết. Thế nhưng xa quá, đi tay không còn mệt nên mọi người vứt hết, mà không ai bị vật cả.
Tóm lại chơi bời chỉ có thế thôi, thỉnh thoảng hứng lên qua nhà nhau nói chuyện nữa là hết. Hoặc giả tớ không tham gia nhiều trong các vụ chơi bời của lớp vì nhà xa chăng?
6. Kỷ niệm Ba Vì
Phim màu chiến đấu màn ảnh rộng của Liên Xô thường hay ở đoạn cuối, vì thế tuy lần đi Ba Vì là vào đầu năm lớp 11 nhưng tớ để xuống cuối. Có thể nói nếu không có một tuần đi Ba Vì, chúng ta khi gặp lại sẽ có rất ít chuyện để ôn nghèo kể khổ.
Đợt đó khi nghe tin lớp được đi Ba Vì để lao động hướng nghiệp thì nói chung ai cũng thích vì nghĩ là đi chơi. Bình bò không nhớ luyên thuyên gì đó bị thầy Ngọc cho ở nhà. Hôm đầu trên đường đi thì xe chết máy, tất cả xuống đẩy xe, không hô “Hai, ba nào” mà hô “Lê Ba nào” làm thầy Lê Ba tức lắm.
Đến Ba Vì, khoái quá mấy thằng rủ nhau trèo luôn lên núi ngắm cảnh, khi xuống bị thầy Ngọc mắng cho một trận. Tớ nhớ có cả ảnh chụp vụ này mà giờ không biết ai còn giữ không. Sau đó lại có mấy ông nhảy xuống ao tắm, cũng ăn mắng vì tội tranh cái vũng của trâu đầm. Tối hôm đó cả lũ quậy thôi rồi, cô Vân Hà và thầy Ngọc phải sang dẹp loạn thì cả lớp mới im, nhưng Long kin lại vác đàn ra gẩy. Hóa ra thầy Ngọc vẫn đứng ngoài cửa, hỏi vọng vào thì Long kin bảo “em lỡ chân đạp vào đàn”. Lần đầu tiên ngủ giường tầng, Hải lé rơi từ tầng trên xuống đúng vào cái chậu kêu loảng xoảng, may không bị làm sao. Sáng hôm sau, cô Vân Hà tuyên bố “hôm qua có một anh giọng khàn nói rất bậy”, nhưng không tìm ra ai vì ông nào giọng cũng khàn khàn hết cả do hò hét nhiều.
Hôm sau vì trời mưa nên cả lớp được lên quả đồi ngay gần đấy để cuốc cỏ, cuốc chán chê mới phát hiện ra là cuốc cả cỏ lẫn cây mới trồng. Đồi rất nhiều sim, lúc đó đang mùa chín, cả lũ vặt ăn mồm miệng răng lợi tím ngắt cả. Nói đến chuyện ăn uống, thời nghèo khổ đó nhà nào cũng chuẩn bị cho con một lọ muối vừng, thế nên có cảnh mỗi ông ngồi một xó xóc xóc cái lọ muối vừng để lấy lạc ăn. Dũng mốc mang một gói bít-cốt đi dự định ăn trong một tuần mà ngay tối đầu tiên bị cả bọn mang ra chén sạch. Rồi lấy nước suối cho vào bi đông để uống, bị thầy Ngọc bảo “đầu nguồn suối này là cuối nguồn của một cái chuồng lợn nào đó”.
Hôm sau nữa thì phải đi xa và được trải nghiệm chuyện bị vắt cắn là như thế nào. Hầu như ai cũng bị vắt cắn, Sơn khỉ còn bị chảy máu suốt trên đường về mãi không ngưng được. Sau có mấy chú bộ đội chỉ cho cách lấy một loại quả dại sát vào vết cắn thì máu mới đông. Cũng mấy chú bộ đội này chỉ cho cả hội biết quả mâm xôi rất ngon, vì thế có hiện tượng mấy ông đang đi thì tách đoàn, tạt vào lề kiếm mâm xôi. Hôm đó cả hội mệt lử vì trên đường về không dám ngồi nghỉ, mỗi khi ngồi xuống là thấy vắt búng mình lao đến rào rào. Về đến nơi là phải ra tắm ngay để còn tìm xem còn con vắt nào không. Dũng mốc có quả quần đùi trắng, dội nước vào lộ hết cả hàng, cứ chị em đi qua là lại ngồi thụp xuống, đến khổ J.
Đến Chủ nhật thì Hội phụ huynh đánh xe lên thăm. Bố Bình bò chở đến mấy thùng sữa, uống mãi không hết mới nghĩ ra trò đánh bài ông nào thua thì phải uống. Bố Đăng Quang mang gói xôi lên định để ăn trưa thì ông con mang ra mời bạn làm trưa đó cụ phải nhịn.
Sắp đến ngày về, trại hướng nghiệp tổ chức liên hoan thịt chó, bắt được cụ chó về hưu ở đâu mang ra thịt làm mỗi người chắc chỉ xơi được vài miếng là hết bữa. Vụ hướng nghiệp hóa ra có tiền công đàng hoàng, nên ngoài thịt chó thì một số người còn được phân công đi mua sắn của dân mang về luộc, gặp mấy chú đào vàng trần như nhộng nhảy nhót hú hét như Tặc zăng, không nhớ mấy bạn gái trong nhóm còn nhớ cảnh đó không J.
Có một tối Hùng lùn đi mua rượu về cho cả lũ uống nhưng nó lại say, đúng hôm thầy Ngọc tổ chức họp để bình truyện “Trên sa mạc và trong rừng thẳm” và hát hò. Cứ mỗi lần nó ợ một tiếng thì Dũng bazơ lại phải giả vờ ho để che giấu.
Từ Ba Vì trở về an toàn, cả một thời gian sau, thỉnh thoảng trong lớp lại có ông rống lên bài “Một chuyến bay đêm” hay “Biến nhớ” mà chả ai trong lớp nghĩ đến chuyện đưa ông đó đi Trâu Quỳ.
Quả là một chuyến đi đáng nhớ.
- Bình "béo" -
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét